Tài chính

Câu Chuyện Nghề Nghiệp

Hai mươi năm trước mình tốt nghiệp ĐHKT. Một cuối tuần nọ, đang ngủ nướng ở nhà thì có anh bạn tới gọi cửa rủ đi event, gọi là anh bạn vì tuy học chung lớp nhưng ảnh nhiều hơn mấy tuổi. Giờ ngẫm lại, ảnh mới chính là người “định hướng” nghiệp cho mình, vì nếu không có ảnh hôm đó mình đã không dự buổi tuyển dụng trainee của Unilver tại ĐHKT tháng 8 năm 1998.

Đó là khoá trainee đầu tiên của Unilever tại VN & họ cũng chính là người tiên phong khởi lên phong trào tuyển dụng quản trị viên tập sự của các MNCs ở ta sau này. Cách làm của U khá thú vị, từ các vòng phỏng vấn, thi thố, tuyển chọn, cho đến cách huấn luyện, đào tạo trainee khi vào. Tuy nhiên, ở bài viết này, mình muốn nói về sự kiến tạo nên nghề Kế toán Quản Trị (KTQT) của họ tại nước ta.

Unilever là người tiên phong đem KTQT vào VN. Một nghề mà sau này được gọi bởi nhiều cái tên khác nhau như Business Analyst, Cost Controller, Finance Business Partner.., Ngày nay chứng chỉ CMA mà rất nhiều giám đốc tài chính theo học chính là một trong những chứng chỉ quốc tế của nghề này.

Muốn hiểu khái quát về KTQT thì chúng ta cần hiểu thế này, một ông CFO chuẩn của công ty thì phải chuyên trách được đủ ba mảng: Kế toán; KTQT & Tài chính. KTQT giống như nằm giữa KT & TC vậy, và họ chính là ban tham mưu của CEO trong tất cả mọi quyết định kinh doanh.

Quay lại câu chuyện của Unilever, ngày đó phòng KTQT (bắt đầu với Lever Viso) chỉ có 7 người thôi. Một sếp người Pháp, 3 managers và 3 assistants. Công việc của 3 nhóm được chia như sau:

– Nhóm 1: phụ trách ngành hàng personal care là các món tẩy trần thân thể (Sunsilk, Pond’s, Clear, Hazelline, Lifebouy …)

– Nhóm 2: phụ trách ngành hàng home care, là các món chăm sóc ngôi nhà ( Omo, Viso, Comfort, Sunlight, Vim…)

– Nhóm 3 : phụ trách chi phí hậu cần, đầu tư & back offices

Ngày đó mình thuộc về nhóm 2, kiêm thêm hỗ trợ mấy bác giám đốc nhà máy quản trị chuỗi supply chain nữa.

KTQT vốn là người hoạch định và kiểm soát thực tế chi tiết tới từng con số cho ban giám đốc, vì vậy tất cả những gì diễn ra trong các nhãn hàng thuộc nhóm 2 mình đều được biết. KTQT làm việc rất sâu với bộ phận marketing. Thậm chí mình còn nhớ có lần họ còn mời họp với cả agency trong các cuộc trình bày media plan hay pitching ý tưởng quảng cáo. Thực ra, mình không cần tham gia sâu đến thế. Nhưng các anh chị trưởng nhãn hàng luôn muốn KTQT biết càng nhiều càng tốt, để mà hỗ trợ họ sâu hơn trong việc kiến nghị và giải trình với lãnh đạo cấp cao.

Công việc routine của KTQT gồm có kế hoạch ngân sách năm, tháng 9–10 là bắt đầu làm rồi & các bao cáo quản trị của tháng. Tựu chung KTQT có trách nhiệm đưa ra top line & bottom line kế hoạch bằng những con số, sau đó giải trình sự chênh lệch của những con số đó so với thực tế. Vì vậy kỹ năng cần nhất của họ là phải rất “ma xó” ^^. KTQT quản trị phải 8 rất nhiều, là trung tâm phân phối thông tin trong một doanh nghiệp, nhưng họ lại phải rất biết ngậm mồm, đi chơi với bồ cũng không được hé răng. Báo cáo quản trị của U được in ra và đóng thành sách, KTQT có thể phải thức đến 3h sáng để tự tay đóng những cuốn sách đó.

Kế toán quản trị là một nghề rất hay, nếu như không muốn nói là cực hay qua trải nghiệm quả bản thân mình ở U. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm kiếm sống, lại cảm thấy rất biết ơn anh bạn đã réo mình đi cuộc event thuở ấy. Nếu không có ảnh mình đã lỡ mất cơ hội bắt đầu sự nghiệp ở một môi trường rất chuẩn, và ở một công việc mà tất cả các tri thức nhận được đều được áp dụng cho mãi đến hôm nay, ở hai cương vị tư vấn quản trị lẫn giảng viên tài chính.

20 năm đã qua, lại tiếp tục hướng về 20 năm phía trước …