[Viết cho các bạn trẻ khởi nghiệp]
Quan điểm cá nhân của tôi không khuyến khích các bạn làm doanh chủ khi còn quá trẻ. Tuy vậy, không khỏi thừa nhận tôi vẫn có duyên gặp gỡ những bạn trẻ quá xuất chúng. Bài viết này tôi dành cho số đông các bạn còn lại.
Tỷ lệ khởi nghiệp không thành công như mong đợi hẳn là không ít, và tôi đồ rằng đa phần nguyên nhân nằm ở sự thiếu hụt trải nghiệm, lẫn kiến thức quản trị kinh doanh.
Khởi nghiệm luôn bắt đầu từ những bước đi ngắn nhất, nhưng lại phải được định hướng bởi tầm nhìn xa nhất. Có tầm nhìn rồi thì đội trưởng làm sao dẫn dắt đội ngũ tới đích, hẳn không hề đơn giản. Để gia tăng tỷ lệ thành công các bạn cần phải biết “vận lực toàn thân”.
Nếu ai đã từng học võ hay chơi một một thể thao nào đó, đều hiểu rằng tư thế là rất quan trọng. Tư thế đúng giúp bạn xuất chiêu với nội lực bội phần không chỉ nhờ tay mạnh, chân nhanh, mà cả từ một thân pháp uyển chuyển. Để đạt được cảnh giới đó cần phải có thời gian. Dĩ nhiên, điều này sẽ không đúng đối với một vài thanh niên xuất chúng.
Gần đây, chúng ta hay nghe đến thuật ngữ “thẻ điểm cân bằng” (BSC) được áp dụng rộng rãi ở các doanh nghiệp trưởng thành. Đối với các khởi nghiệp non trẻ thì sao?Các bạn sẽ chưa đủ “nội lực” để xuất ra chiêu đó. Tuy nhiên, ở tầm chiến lược bạn lại phải rất tinh thông. Không chỉ tinh thông về sản phẩm (thường liên quan đến yếu tố công nghệ), các bạn còn phải hiểu thị trường, nhạy cảm với người dùng, biết ưu tiên hoá phân khúc mục tiêu, kênh tiếp cận, tài chính, chiến lược nhân sự…. Điều đó dường như là không tưởng, nhưng xin hãy bàn thêm ở đoạn cuối. Đến đây, hãy thử cùng mổ xẻ xem tại sao đó lại là điều thiết yếu có tính sống còn.
Điểm yếu của khởi nghiệp non trẻ là một hạ tầng chưa vững, nhưng điểm mạnh của nó cũng chính là sự linh hoạt của một “cơ thể nhỏ bé”. Một tập đoàn lớn không thể vận hành với một chiến lược được thay đổi hàng năm, nhưng các bạn có thể điểu chỉnh chiến lược ngay sau một vài tháng (biết thế, nhưng đừng lạm dụng quá nhé).
Vận lực toàn thân được hiểu thế này:
Bắt đầu với một nguồn lực tài chính rất giới hạn, chiến lược thị trường phải ưu tiên phân khúc sao cho đồng vốn chi ra để đạt một đơn vị chỉ tiêu thị trường (volume/revenue) là thấp nhất; từ đó, hoạch định sản phẩm thế nào, chiến lược tiếp cận người dùng ra sao (sales/ marketing), nhân sự chủ chốt nên có năng lực gì. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xác lập mục tiêu ngắn-trung hạn là để build to sell hay là build to hold (lại quay về với chiến lược tài chính). Người lãnh đạo phải có được cái nhìn tổng thể, cũng là người nắm giữ nhiều thông tin nhất để điều phối chiến lược tổng thể; hài hoà giữa tài chính, sản phẩm, thị trường, công nghệ, nhân lực, đối tác chiến lược… Những cột trụ này nếu không được dựng đều, toàn công trình rất dễ bị sụp đổ!
Một bạn trẻ xuất sắc trong nghề IT chẳng hạn, hoàn toàn không được hấp thụ những kiến thức quản trị trên. Hay thậm chí một MBA tốt nghiệp tại Mỹ, cũng chưa chắc đã vận dụng được chúng một cách nhuần nhuyễn.
Vậy thì hên xui quá, phải chăng nên chia tay hết các giấc mơ khởi nghiệp ư? Không hẳn thể, hãy chọn cách đứng trên vai những “người khổng lồ”, và bởi bạn quá “tí hon”, người khổng lồ của bạn có thể chỉ là những mentors thầm lặng, nhưng cực kỳ dày dạn kinh nghiệm trận mạc.
Đừng chủ quan cho rằng cứ đi đi rồi sẽ tới. Khi ta chưa biết đường, cớ sao phải tự dò dẫm khi có thể hỏi người đã biết. Đừng cho rằng lý thuyết là số không, một mentor với bản lĩnh dày dặn, kèm theo một tư duy lý thuyết hoá, sẽ biết chỉ điểm thế nào để giúp các bạn “vận lực toàn thân”.