Tài chính

Vũ Khúc Tài Chính – Marketing

Game mô phỏng (business simulation game) là một loại game đào tạo trong kinh doanh có nhiều ý nghĩa thiết thực nhất, có thể điểm sơ các lợi ích mang lại của game bao gồm:

1. Việc rút ngắn thời gian trải nghiệm thực tế của người học.
2. Những đúc kết xương máu ngay & luôn từ các kịch bản game được mổ xẻ bởi cả người học, lẫn người dạy.
3. Giúp cho người học kiểm chứng nhiều giả thuyết, giả định trong kinh doanh mà “không đau”, không cần tiêu hao thêm bất cứ nguồn lực nào.

Việc chế tác game mô phỏng trong kinh doanh không hề dễ dàng. Tuy vậy, nỗ lực nào thì thành quả đó. Hàng trăm giờ thử games với bất cứ bạn bè thân thiết nào có thể huy động, đã giúp cho team MBM đưa được một trò chơi mô phỏng tương đối đơn giản, lột tả được mối liên hệ giữa tài chính-chiến lược & marketing, làm cho lớp học trở nên sinh động và trực quan. Đó thực sự là một công cụ tuyệt vời, không chỉ người học, mà cả người dạy cũng có thể thưởng thức nó như được lái xe hơi cực xịn trên nhiều địa hình, cung đường khác nhau.

Có thể nói, sản phẩm đào tạo trên là một sự kết hợp lành mạnh giữa các mảng tri thức, tài chính & marketing, được vận dụng vào trong một lớp học. Ở một ví dụ khác, trong thực tiễn đương đại, chúng ta lại có thể trải nghiệm sự kết hợp tri thức ở một khía cạnh khác, như hai mặt của một vấn đề. Ngày nay, dân tài chính-đầu tư lão luyện, không khỏi ngỡ ngàng trước sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài chính & marketing dựa trên một câu chuyện thời thượng có cái tên “blockchain”.

Blockchain là một công nghệ không còn mới nữa, dù tính ứng dụng phổ quát của nó vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Blockchain về cơ bản chính là câu chuyện tiếp thị (marketing story) của bitcoin, đồng tiền mã hoá có giá trị lớn nhất và “ảo” nhất trong lãnh địa “tiền ảo”. Bitcoin làm giá, các coin khác cũng được ăn theo, coin mới theo đó mà ồ ạt sinh sôi, dưới cái hình thức kiếm tiền mang tính sáng tạo đột phá, ICO (initial coin offer), cực kỳ khác với IPO (initial public offer) truyền thống.

ICO là động tác tung đồng coin mới ra thị trường, người mua kỳ vọng coin lên giá khi nó được sử dụng rộng rãi để thanh toán cho cái dịch vụ/sản phẩm/ý tưởng, được đề cập trong tập whitepaper, xương sống chống lưng chiến dịch ICO đó. Câu chuyện được viết trong cái whitepaper, sẽ được viral trên các phương tiện truyền thông, chính là cái câu chuyện tiếp thị để giúp cho các nhà sáng lập “in tiền”.

Chỉ cần một câu chuyện tiếp thị cực tốt, những nhà phát hành coins có thể lấy tiền thiên hạ như chơi. Người mua coins không hề có quyền sở hữu một tí tài sản nào tạo ra từ cái sản phẩm/dịch vụ đề cập trong dự án đó cả. Họ chỉ có thể trông chờ vào một điều kì diệu rằng nhu cầu thật của đồng coins đó sẽ tăng lên, khi sản phẩm/dịch vụ thật được tung ra trở nên hút khách; hoặc giá coin tăng cao vì quan hệ cung-cầu bị các nhà phát hành tác động một cách có chủ đích mà thôi.

Nói như trên, không có nghĩa là các nhà phát hành coins chỉ viết nên những câu chuyện huyễn hoặc người mua. Nhưng rõ ràng những ý tưởng mộng mơ thì cũng khônh hề thiếu. Ở góc nhìn học thuật, ý tưởng sản phẩm dù có tốt đến đâu, đội ngũ phát triển dự án có đến mấy, nếu thiếu đi một câu chuyện tiếp thị đủ để kích hoạt người mua xuống tiền, chiến dịch ICO chỉ có thể là một giấc mộng ban trưa.